Văn bản pháp luật
- Vấn đề khác
- Luật đất đai
- Luật thi hành án dân sự
- Cập nhật các văn bản pháp luật
- Luật hải quan
- Luật giáo dục
- Luật bảo hiểm y tế
- Luật đấu thầu
- Luật công pháp quốc tế
- Pháp lệnh
- Luật tương trợ tư pháp
- Luật môi trường
- Luật luật sư
- Luật kiểm toán nhà nước
- Luật kế toán
- Luật dược
- Luật du lịch
- Luật cư trú
- Luật chất lượng sản phẩm
- Luật cạnh tranh
- Luật bình đẳng giới
- Luật ban hành văn bản
- Công pháp quốc tế
- Luật chứng khoán
- Luật phòng, chống tham nhũng
Hỗ trợ trực tuyến
-
Tư vấn khách hàng
0613 842 022
Thống kê truy cập
- Đang truy cập: 1
- Trong ngày: 67
- Hôm qua: 54
- Tổng truy cập: 2576670
- Truy cập nhiều nhất: 13152
- Ngày nhiều nhất: 31.08.2019
Công nhận hiệu lực “công tín” trong giao dịch với người thứ ba ngay tình
Chi tiết
Xung quanh quy định tại Điều 133 BLDS năm 2015 về “Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu” đặt ra những vấn đề nghiên cứu về điều kiện công nhận hiệu lực “công tín”, xác định chủ thể có lỗi và nghĩa vụ hoàn trả, bồi thường trong việc bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu.
Công nhận hiệu lực “công tín” trong giao dịch với người thứ ba ngay tình
Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình
Điều 258 và khoản 2 Điều 138 BLDS năm 2005 ghi nhận trường hợp chủ sở hữu đích thực không có quyền kiện đòi tài sản từ người thứ ba ngay tình, hay nói cách khác người thứ ba ngay tình được công nhận là chủ sở hữu hợp pháp trong trường hợp: “Người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.
Với quy định này thì trừ hai trường hợp ngoại lệ nêu trên, BLDS năm 2005 đã vô hiệu giao dịch với người thứ ba ngay tình khi đối tượng của giao dịch là tài sản phải đăng ký mà không xem xét đến việc khi người thứ ba ngay tình xác lập giao dịch, tài sản được xác lập đó đã được đăng ký hay chưa. Đối với trường hợp tài sản phải kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng đứng tên một hoặc một số người, người đứng tên trong Giấy tờ sở hữu đứng ra chuyển nhượng, thế chấp, bảo lãnh…, người thứ ba ngay tình không thể biết hoặc rất khó biết nguồn gốc xác lập tài sản đó có hợp pháp không khi họ đã căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà xác lập giao dịch. Việc bảo vệ tuyệt đối chủ sở hữu và bảo vệ có tính nguyên tắc người thứ ba ngay tình trong BLDS năm 2005 dẫn đến thực tế trường hợp giao dịch ban đầu bị tuyên vô hiệu thì giao dịch với người thứ ba cũng bị tuyên vô hiệu, người thứ ba phải hoàn trả lại tài sản cho chủ sở hữu và khởi kiện bên đã xác lập giao dịch với mình yêu cầu bồi thường thiệt hại. Như vậy, theo quy định của BLDS năm 2005, nếu không nằm trong hai trường hợp ngoại lệ quy định tại khoản 2 Điều 138, thì chủ thể phải hoàn trả lại tài sản là đối tượng của giao dịch vô hiệu cho chủ sở hữu là người thứ ba. Bộ luật Dân sự năm 2005 dành quyền cho người thứ ba ngay tình trong giao dịch vô hiệu yêu cầu người đã xác lập giao dịch với mình bồi thường thiệt hại. Quy định này có vẻ như bảo vệ sự công bằng cho người thứ ba ngay tình. Tuy nhiên, trên thực tế, việc ghi nhận trong BLDS năm 2005 về người thứ ba ngay tình được yêu cầu người đã chuyển nhượng cho mình bồi thường thiệt hại rất khó thi hành để được bồi thường thiệt hại. Bởi vì, nhiều trường hợp không thể tìm lại người đã giao dịch với mình để khởi kiện.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, BLDS năm 2015 đã bổ sung thêm một ngoại lệ trong việc công nhận hiệu lực giao dịch với người thứ ba ngay tình:
Theo tinh thần này, Điều 168 BLDS năm 2015 tiếp tục khẳng định: “Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 của BLDS”. Như vậy, theo BLDS năm 2015 chỉ cần tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan có thẩm quyền và sau đó được chuyển giao cho người thứ ba thì khi giao dịch ban đầu bị tuyên vô hiệu, giao dịch với người thứ ba ngay tình vẫn có hiệu lực.
Có thể nói, với quy định sửa đổi trong BLDS năm 2015 đã và đang tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích của bên thứ ba ngay tình, của bên thiện chí, bên yếu thế trong quan hệ dân sự. Quy định này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra nhiều yêu cầu mới trong việc bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 133 BLDS năm 2015 thì quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình được bảo vệ hiệu quả hơn, bởi vì nghĩa vụ hoàn trả tài sản và bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu thuộc về người đã xác lập giao dịch với người thứ ba ngay tình. Tuy nhiên, khi điều luật triển khai thi hành trên thực tế, việc xử lý hậu quả giao dịch vô hiệu và xác định nghĩa vụ hoàn trả, nghĩa vụ bồi thường để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu thực sự vẫn đặt ra nhiều vấn đề phải nghiên cứu, trao đổi để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hướng dẫn thống nhất áp dụng.
Chủ thể có nghĩa vụ hoàn trả và bồi thường cho chủ sở hữu
Theo quy định của BLDS năm 2005, người có nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản cho chủ sở hữu là người thứ ba ngay tình khi giao dịch ban đầu và giao dịch với người thứ ba ngay tình đều bị tuyên vô hiệu (trừ hai trường hợp ngoại lệ ghi nhận tại Điều 258 và khoản 2 Điều 138 của BLDS năm 2005). Khi BLDS năm 2015 công nhận hiệu lực giao dịch với người thứ ba ngay tình xác lập sau khi tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu thì nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu đã chuyển qua cho người đã xác lập giao dịch với người thứ ba và những chủ thể có liên quan. Khoản 3 Điều 133 BLDS năm 2015 dành quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu như sau: “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 điều này nhưng có quyền khởi kiện yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.
Vấn đề cần xác định ở đây là chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba là những chủ thể nào. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công chứng, chứng thực giao dịch trái pháp luật, Ủy ban nhân dân thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy tờ sở hữu tài sản sai thẩm quyền, thủ tục, cấp trái pháp luật… thì có được xem là có lỗi dẫn đến việc xác lập giao dịch với người thứ ba? Mặt khác, theo quy định mới của BLDS năm 2015, việc tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu là một trong những căn cứ quan trọng để công nhận hiệu lực giao dịch với người thứ ba ngay tình, do đó cũng cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc đăng ký quyền sở hữu tài sản khi lập thủ tục đăng ký không đúng trình tự thủ tục do luật định.
Theo chúng tôi, chủ thể có lỗi ghi nhận trong khoản 3 Điều 133 BLDS năm 2015 khá “mở”, không đóng khung trong chủ thể tham gia giao dịch mà còn là các chủ thể có liên quan đến giao dịch. Trong trường hợp có cơ sở xác định tổ chức, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không tiến hành đúng trình tự, thủ tục trong việc đăng ký quyền sở hữu tài sản thì cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với những thiệt hại của chủ sở hữu ban đầu, bởi vì tài sản được đăng ký là cơ sở để công nhận giao dịch với người thứ ba. Trong trường hợp chủ sở hữu yêu cầu bồi thường thì áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra để xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức công chứng, chứng thực và cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu tài sản. Việc xác định trách nhiệm bồi thường của các chủ thể trong trường hợp này sẽ tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hạn chế trường hợp đăng ký không đúng trình tự, thủ tục dẫn đến thiệt hại cho chủ sở hữu tài sản, đồng thời cũng sẽ bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của chủ sở hữu khi công nhận giao dịch với người thứ ba, giảm thiệt hại trong trường hợp người có nghĩa vụ (bên đã xác lập giao dịch với người thứ ba) không có khả năng để bồi thường.
Có thể đánh giá đây là một giải pháp đột phá nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém trong thực tiễn công tác quản lý, đặc biệt là công tác quản lý nhà, đất hiện nay của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để tạo hành lang pháp lý, thực thi có hiệu quả quy định của BLDS năm 2015, đảm bảo sự đồng bộ với các luật chuyên ngành khác, trong thời gian tới, khi triển khai việc sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước cần ghi nhận trách nhiệm bồi thường nhà nước đối với các chủ thể có lỗi là người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án… ở các giao dịch dân sự được bảo vệ theo “hiệu lực công tín” đã được ghi nhận về cơ chế pháp lý bảo vệ quyền dân sự trong BLDS năm 2015.
Một vấn đề khác đặt ra là khi có nhiều chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch với người thứ ba gây thiệt hại cho chủ sở hữu thì trách nhiệm bồi thường là trách nhiệm riêng lẻ theo mức độ lỗi hay trách nhiệm liên đới. Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định lỗi và mức độ lỗi, căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường theo mức độ lỗi. Do vậy, việc xác định lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các chủ thể trong trường hợp này phải có sự đánh giá khách quan, căn cứ vào tính chất của từng vụ việc. Đặc biệt, không thể chỉ xác định trách nhiệm của người đã xác lập giao dịch với người thứ ba mà loại trừ trách nhiệm của các chủ thể khác.
Giá trị hoàn trả và vấn đề trượt giá
Khoản 3 Điều 133 BLDS năm 2015 quy định chủ sở hữu có quyền khởi kiện yêu cầu người đã có lỗi dẫn đến xác lập giao dịch với người thứ ba phải “hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”. BLDS năm 2015 không quy định “chi phí hợp lý” là như thế nào và những khoản nào được coi là “thiệt hại”. Như vậy, khi giao dịch dân sự ban đầu bị tuyên vô hiệu thì phải hoàn trả lại cho chủ sở hữu khoản lợi thu được từ việc xác lập giao dịch với bên thứ ba hay hoàn trả lại những gì đã nhận theo nguyên tắc xử lý hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu? Theo quy định tại Điều 131 BLDS năm 2015: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả”. Trong trường hợp giao dịch dân sự với người thứ ba có hiệu lực, khi giao dịch ban đầu bị tuyên vô hiệu, các bên không thể hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận mà chỉ có thể trị giá thành tiền để hoàn trả. Tuy nhiên, Điều 131 BLDS năm 2015 lại không quy định trị giá thành tiền để hoàn trả là trị giá tại thời điểm các bên xác lập giao dịch hay giá trị tài sản tại thời điểm giao dịch bị tuyên vô hiệu.
Thông thường phần lớn tài sản được hoàn trả không phải lúc nào cũng còn nguyên giá trị như thời điểm giao kết. Cho đến nay, vấn đề trượt giá chỉ được hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2003/NQ- HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình” nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp giao dịch về nhà ở vô hiệu. Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán, phần chênh lệch giá được xem là thiệt hại và bên nào có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu phải bồi thường theo tỉ lệ tương ứng với số tiền đã thanh toán. Tuy nhiên, trên thực tế giá trị tài sản có thể bị biến đổi do nhiều nguyên nhân khác nhau như sự hao mòn tự nhiên, do sự tác động của con người hoặc do quy luật kinh tế thị trường. Do đó, trường hợp xem xét nghĩa vụ hoàn trả khi giao dịch dân sự ban đầu vô hiệu, xác định giá trị tài sản, nghĩa vụ phải hoàn trả, chúng ta phải cân nhắc kỹ đến các yếu tố này, đặt biệt là vấn đề tăng, trượt giá để đảm bảo lẽ công bằng. Mặt khác, tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự rất đa dạng, hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán chỉ trong phạm vi giao dịch về nhà ở nên không thể bao quát hết các tài sản khác khi giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu.
Chúng tôi cho rằng, khi Tòa án tuyên bố giao dịch ban đầu vô hiệu và công nhận giao dịch với bên thứ ba ngay tình, các bên trong giao dịch ban đầu phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên xác lập giao dịch với người thứ ba ngay tình phải hoàn trả lại cho chủ sở hữu giá trị tài sản tính tại thời điểm xác lập giao dịch. Phần chênh lệch giữa giá trị tài sản tại thời điểm xác lập giao dịch ban đầu và thời điểm hoàn trả được xem xét là thiệt hại chứ không nằm trong phạm vi hoàn trả. Trường hợp có sự chênh lệch giá gây thiệt hại cho chủ sở hữu ban đầu thì các chủ thể có lỗi dẫn đến xác lập giao dịch với bên thứ ba phải bồi thường cho chủ sở hữu ban đầu.
Xác định nghĩa vụ hoàn trả và bồi thường thiệt hại khi giao dịch vô hiệu trong trường hợp có sự chênh lệch giá là vấn đề phức tạp. Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể khi áp dụng Điều 131, 133 BLDS năm 2015 để có sự thống nhất về đường lối xét xử.
Trường hợp bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình theo quy định tại khoản 2 Điều 133 BLHS năm 2015
Khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 quy định “trường hợp tài sản phải được đăng ký nhưng chưa được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì giao dịch chỉ được công nhận khi người thứ ba ngay tình nhận được tài sản thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do quyết định bị hủy, sửa”.
Theo quy định nêu trên, trường hợp một người được công nhận là chủ sở hữu tài sản theo bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, sau đó người này không đăng ký quyền sở hữu tài sản mà chỉ căn cứ trên bản án, quyết định đó xác lập giao dịch với người thứ ba thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực mặc dù sau đó bản án, quyết định đó bị hủy, sửa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong trường hợp giao dịch được xác lập với người thứ ba theo quy định của pháp luật phải có Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản(1) và giao dịch đó phải được công chứng chứng thực (2) thì những giao dịch với người thứ ba nêu trên đã vi phạm về hình thức vì chưa có giấy chứng nhận nên chưa đủ điều kiện công chứng, chứng thực hợp đồng. Trong trường hợp này chúng ta phải căn cứ vào khoản 2 Điều 133 để công nhận giao dịch với người thứ ba ngay tình hay căn cứ vào Điều 129 BLDS năm 2015 để xử lý giao dịch vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
Theo quan điểm của chúng tôi, trong trường hợp này nếu giao dịch với người thứ ba ngay tình không tuân thủ hình thức theo luật định thì vẫn phải căn cứ vào Điều 129 BLDS năm 2015 để công nhận hay không công nhận giao dịch với người thứ ba ngay tình. Như vậy, sẽ đảm bảo công bằng, tránh trường hợp người đã xác lập giao dịch với người thứ ba phát hiện nguy cơ giao dịch với chủ sở hữu ban đầu có thể bị tuyên vô hiệu nên chuyển giao tài sản cho bên thứ ba để trốn tránh nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu.
Vấn đề pháp lý khác nảy sinh từ câu chữ của khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 là việc không quy định rõ bản án, quyết định công nhận quyền sở hữu tài sản là bản án, quyết định nào. Có thể có trường hợp bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định hành chính công nhận quyền sở hữu tài sản cho một chủ thể, sau đó bản án phúc thẩm, quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng không công nhận quyền sở hữu của chủ thể đó. Trên thực tế đã xảy ra trường hợp chủ thể được công nhận quyền sở hữu đã xác lập giao dịch với người thứ ba khi vụ án đang được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, hoặc đang giải quyết khiếu nại. Do đó, để tránh những tranh cãi về câu chữ điều luật mà không nhìn về bản chất pháp lý của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, chúng tôi cho rằng Tòa án nhân dân tối cao khi hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong công tác xét xử cần ghi nhận rõ bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu theo khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 phải là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.