SỞ TƯ PHÁP TP.HCM GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

Con nuôi thực tế được đăng ký đến 2015
Nhiều bạn đọc quan tâm, đặt câu hỏi về việc nhận con nuôi, ghi chú sổ đăng ký khai sinh, làm phiếu lý lịch tư pháp…

Ngày 1-7, tại báo Pháp Luật TP.HCM, Sở Tư pháp TP.HCM đã giao lưu trực tuyến với người dân về các thủ tục hành chính hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp.

Bà Ung Thị Xuân Hương (Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết buổi giao lưu nhằm thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân hiểu rõ hơn các thủ tục hành chính, các văn bản pháp luật, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.

Bạn đọc có thể xem chi tiết nội dung giao lưu tại địa chỉ www.phapluattp.vn.

Không muốn ghi chú “Trẻ bị bỏ rơi”

Thực tế tồn tại tâm lý không muốn người con nuôi là con rơi tủi thân về nguồn gốc của mình, nhiều cha mẹ xóa dấu tích về quan hệ nuôi giữa cha mẹ-con. Bạn đọc T. (Bình Chánh, TP.HCM) lo lắng: “Vợ chồng tôi mới nhận một trẻ bỏ rơi làm con nuôi. Khi đi khai sinh cho cháu, tôi thấy trong sổ đăng ký khai sinh của cán bộ hộ tịch có ghi chú là “Trẻ bị bỏ rơi”. Phần ghi về cha mẹ được ghi chú là “Cha, mẹ nuôi”. Vợ chồng tôi rất thương cháu bé, xem cháu bé như con mình đẻ ra, không muốn sau này lớn lên cháu tìm hiểu và biết mình bị bỏ rơi. Chúng tôi nói với cán bộ hộ tịch đừng ghi như vậy nhưng cán bộ giải thích đó là quy định bắt buộc. Xin cho hỏi chúng tôi có được quyền yêu cầu không ghi chú gì trong sổ đăng ký khai sinh không?”.

7-chot-4c0a6.jpg

Lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM và các phòng nghiệp vụ trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: TM

Ông Nguyễn Văn Vũ (Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch - Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết cán bộ hộ tịch ghi chú như vậy là đúng. Khoản 3, 4 Điều 16 Nghị định 158 (năm 2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch của Chính phủ) quy định khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”. Tuy nhiên, ông Vũ khuyên người dân không nên lo lắng vì mọi thông tin về nhân thân đứa trẻ được giữ bí mật.

Chưa đăng ký con nuôi thì sao?

Bạn đọc có tên HA hỏi rằng bà nhận một người làm con nuôi từ lúc mới lọt lòng, đến nay con 20 tuổi. Nay vì hoàn cảnh riêng, bà muốn giao con cho người em gái nhận làm con nuôi nhưng không rõ thủ tục ra sao.

Ông Nguyễn Văn Vũ khẳng định trường hợp này không thể làm thủ tục giao nhận con nuôi. Theo Điều 8 Luật Nuôi con nuôi, người được nhận làm con nuôi phải dưới 18 tuổi. Con của bà HA đã quá độ tuổi quy định. Ngoài ra, hiện tại chưa có quy định về việc nhận con nuôi của người khác làm con nuôi của mình.

Cũng liên quan đến con nuôi, bạn đọc Hạ Vy hỏi rằng bà nuôi con nuôi mấy chục năm về trước nhưng không làm giấy tờ gì để chứng minh quan hệ mẹ-con, nay muốn làm giấy tờ nhìn nhận quan hệ mẹ con nuôi cho rõ ràng thì phải làm sao.

Ông Vũ giải thích Luật Nuôi con nuôi quy định việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày luật này có hiệu lực (ngày 1-1-2011) mà chưa đăng ký thì được đăng ký trong thời hạn năm năm, kể từ ngày luật này có hiệu lực. Để được chấp nhận, các bên phải đáp ứng các điều kiện như hiện tại quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau… Nếu đáp ứng được các điều kiện, bà nên liên hệ UBND xã nơi thường trú để đăng ký chậm nhất là ngày 31-12-2015.

Chỉ cấp phiếu lý lịch tư pháp bằng tiếng Việt

Vấn đề thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng được nhiều người dân đặt câu hỏi. Bạn đọc PA nêu băn khoăn không biết có thể xin cấp phiếu lý lịch tư pháp bằng tiếng Anh và Hoa được không vì phải nộp cho công ty nước ngoài.

Ông Hồng Văn Hải (Trưởng phòng Lý lịch tư pháp - Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết tất cả phiếu lý lịch tư pháp cấp cho công dân đều ghi tiếng Việt. Công dân có nhu cầu sử dụng phiếu bằng tiếng của nước nào thì phải thông qua dịch thuật để có bản dịch. Để tạo điều kiện cho người dân đỡ đi lại nhiều lần, tại sở có một quầy tiếp nhận dịch thuật và chuyển phát bản dịch đến tận nhà.

Cùng mối quan tâm, bà Nguyễn Thị L. thắc mắc cha mẹ có thể đi làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp để bổ sung hồ sơ du học cho con (đang ở bên Pháp) được không, lệ phí là bao nhiêu?

Dẫn quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp, ông Hải giải thích cá nhân có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền. Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với học sinh, sinh viên được giảm hơn bình thường, tức 100.000 đồng/lần/người. Để xác định người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc đối tượng là học sinh, sinh viên, phải xuất trình thẻ học sinh, thẻ sinh viên hoặc giấy xác nhận của cơ sở giáo dục, đào tạo (nơi người con đang học tập).

Tháng 7-2013, giao lưu về thừa phát lại

Bà Ung Thị Xuân Hương (Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết thời gian tới, sở sẽ tiếp tục giao lưu trực tuyến về các nội dung khác như giới thiệu những văn bản pháp luật mới có liên quan trực tiếp với người dân, các nội dung liên quan đến Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa có hiệu lực, các nghị định xử phạt vi phạm hành chính… Cụ thể trong tháng 7 này, sở dự định sẽ tổ chức giao lưu với bạn đọc về những vấn đề liên quan đến chế định thừa phát lại mà TP đang tiếp tục thí điểm.

THANH MẬN lược ghi

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)