Tin tức & Sự kiện
Hỗ trợ trực tuyến
-
Tư vấn khách hàng
0613 842 022
Thống kê truy cập
- Đang truy cập: 1
- Trong ngày: 206
- Hôm qua: 63
- Tổng truy cập: 2573158
- Truy cập nhiều nhất: 13152
- Ngày nhiều nhất: 31.08.2019
Hiểu như thế nào về thời hạn thông báo bằng hình thức niêm yết công khai trong THADS?
Hiểu như thế nào về thời hạn thông báo bằng hình thức niêm yết công khai trong THADS?
03/07/2017 09:04 GMT+7
Một vụ cưỡng chế thi hành án dân sự (ảnh minh họa). |
Theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật THADS thì việc thông báo được thực hiện theo ba hình thức đó là: Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; Niêm yết công khai; Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong ba hình thức trên thì hiện nay việc niêm yết công khai vẫn còn một số quan điểm khác nhau về cách hiểu và cách tính thời hạn thông báo khi thực hiện thủ tục niêm yết. Do vậy, thông qua bài viết này, chúng tôi muốn đi tìm những cơ sở pháp lý cần thiết để chứng minh cho cách hiểu và căn cứ tính thời hạn phù hơp với quy định của pháp luật để có một sự thống nhất trong việc hiểu và áp dụng pháp luật đối với cách tính thời hạn thông báo bằng hình thức niêm yết công khai trong THADS.
Mặc dù pháp luật về THADS đã quy định khá rõ ràng về trình tự, thủ tục về niêm yết công khai; đồng thời, trong tài liệu và những đợt tập huấn nghiệp vụ thi hành án của Tổng cục THADS đã đề cập đến việc xác định thời hạn và cách tính thời hạn trong trường hợp phải thực hiện thủ tục niêm yết công khai. Tuy nhiên, vẫn tồn tại hai quan điểm khác nhau, không thống nhất giữa các chấp hành viên và đặc biệt là giữa một số kiểm sát viên với chấp hành viên về cách tính thời hạn thông báo bằng hình thức niêm yết.
Để cụ thể hơn về các quan điểm này, chúng ta xem xét cách tính thời hạn niêm yết văn bản thông báo tại khoản 1 Điều 88 Luật THADS: “Trước khi kê biên tài sản là bất động sản ít nhất là 03 ngày làm việc, chấp hành viên thông báo cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án”.
Theo quy định này thì việc kê biên chỉ được phép tiến hành sau ít nhất 03 ngày kể từ ngày đương sự được thông báo. Giả sử, trường hợp không thực hiện được việc thông báo trực tiếp nên ngày 24/4/2017 chấp hành viên đã thực hiện việc niêm yết thông báo kê biên cho đương sự. Như vậy, ngày nào thì chấp hành viên có thể tiến hành việc kê biên tài sản?
Quan điểm thứ nhất (10 + 3) cho rằng do ngày niêm yết là ngày 24/4/2017, cho nên kể từ ngày 08/5/2017 thì chấp hành viên mới được thực hiện việc kê biên tài sản (không huy động lực lượng cưỡng chế). Quan điểm này cho rằng vì thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết. Do vậy, thời gian 03 ngày làm việc trước khi kê biên tài sản trong trường hợp này phải được tính từ ngày 05/4/2017 (có nghĩa là thời hạn thông báo bắt đầu tính từ sau thời gian 10 ngày niêm yết). Cũng cần nói thêm đây là quan điểm của không ít kiểm sát viên VKSND các cấp khi kiểm sát hồ sơ thi hành án về thủ tục thông báo.
Quan điểm thứ hai cho rằng nếu ngày niêm yết là ngày 24/4/2017 thì thời gian 03 ngày làm việc trước khi kê biên tài sản trong trường hợp này được tính từ ngày 25/4/2017. Do vậy, từ ngày 28/4/2017, chấp hành viên được thực hiện việc kê biên tài sản. Vì ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ nên việc tính thời hạn được bắt đầu tính từ ngày liền kề là ngày 25/4/2017. Còn ngày niêm yết 24/4/2017 là ngày xác định để tính thời hạn.
Thực tế hiện nay đang tồn tại hai quan điểm như trên về cách tính thời hạn thực hiện thông báo bằng hình thức niêm yết công khai. Vì thế, có không ít chấp hành viên lúng túng không biết nên theo quan điểm nào, dẫn đến tình trạng là lựa chọn giải pháp an toàn, có nghĩa là chọn quan điểm thứ nhất (10 + 3).
Chúng tôi cho rằng pháp luật quy định đã khá rõ ràng và hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý để tính thời hạn thực hiện việc thông báo trong THADS bằng hình thức niêm yết công khai. Tuy nhiên, để thống nhất được cách hiểu, cách tính thì chúng ta cần nắm rõ các vấn đề như thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo, ngày được thông báo hợp lệ và cách tính thời hạn. Khi chúng ta làm rõ được các vấn đề trên thì việc tính thời hạn khi thực hiện việc niêm yết công khai văn bản thông báo trong quá trình tổ chức thi hành án sẽ trở nên đơn giản, rõ ràng, thống nhất và chỉ có một cách tính duy nhất.
Cụ thể, về việc niêm yết công khai văn bản thông báo thì “Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết” được hiểu là thông báo phải được dán (treo) ở các nơi quy định trong thời gian 10 ngày, sau đó thì có thể được gỡ xuống, không phải dán nữa. Ở một số văn bản pháp luật còn có cả quy định trách nhiệm bảo quản văn bản được niêm yết như Điều 18 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.
Về ngày được thông báo hợp lệ, căn cứ vào các quy định cụ thể như “...việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ”, “...ngày ký nhận là ngày được thông báo hợp lệ”..., có thể hiểu ngày được thông báo hợp lệ là ngày đương sự được thông báo. Cho dù thông báo bằng hình thức niêm yết công khai hay thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì ngày niêm yết hay ngày thực hiện việc thông báo lần hai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được xem là ngày đương sự được thông báo, mà không phụ thuộc vào việc thực tế đương sự, người được thông báo đã đọc, biết được thông báo đó hay chưa.
Về cách tính thời hạn trong THADS, hiện nay đang được áp dụng theo các quy định tại Điều 147 và Điều 148 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, trong trường hợp niêm yết công khai thì ngày thực hiện việc niêm yết không được tính vào thời hạn mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày niêm yết. Bởi vậy, nếu quyết định thi hành án được ban hành ngày 25/4/2017 thì việc thực hiện thông báo phải được thực hiện trong ngày 26, 27 hoặc ngày 28/4/2017.
Từ những phân tích ở trên, chúng ta thấy cách hiểu và cách tính thời hạn trong thủ tục niêm yết công khai văn bản thông báo trong THADS phải là cách tính thời hạn theo quan điểm thứ hai. Còn quan điểm thứ nhất (10 + 3) là không có căn cứ pháp luật.