QĐND Online – Chiều 16-9, Phiên họp thứ 41 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc với nội dung cho ý kiến về Báo cáo tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL).

Theo báo cáo của Chính phủ về Tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội cho thấy, mặc dù vẫn còn một số tồn tại, hạn chế song kết quả triển khai trong thời gian qua đã khẳng định Nghị quyết số 36/2012/QH13 đã được Chính phủ, bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Chủ trương của Đảng về thí điểm TPL đã được thể chế hóa và kiểm nghiệm trên thực tế, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận. Thông qua đó đã cho thấy, việc thực hiện thí điểm TPL là một hướng đi đúng về cải cách tư pháp, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động tư pháp của nước ta cũng như xu thế hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày báo cáo của Chính phủ về Tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hộ.

Thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13, chế định này đã được thí điểm tại 13 địa phương trong cả nước với 53 Văn phòng TPL, đội ngũ TPL, Thư ký nghiệp vụ ngày càng được củng cố, kiện toàn. Các Văn phòng TPL được thành lập, đăng ký hoạt động cơ bản đáp ứng điều kiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ; nhiều Văn phòng được đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tốt.

Kết quả hoạt động của các Văn phòng TPL thời gian qua đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các quá trình tố tụng, góp phần ổn định các quan hệ xã hội, an ninh trật tự. Việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL đã góp phần nâng cao nhận thức không những đối với cơ quan nhà nước mà còn đối với người dân về một chủ trương mới của Đảng, Nhà nước.

Đối với hoạt động tư pháp, việc thí điểm chế định TPL không cản trở mà còn hỗ trợ, giúp cho hoạt động tư pháp đúng pháp luật, hiệu quả hơn; góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp mà Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Quá trình thực hiện thí điểm TPL đã cung cấp nhiều dữ kiện, căn cứ mang tính khoa học và thực tiễn có giá trị để làm sáng tỏ nhiều vấn đề mang tính lý luận trong tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước (đặc biệt là trong lĩnh vực thi hành án dân sự), tạo lập chứng cứ trong tố tụng, giúp cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thi hành các phán quyết trọng tài thương mại.

Đối với kinh tế - xã hội, hoạt động của TPL đã góp phần bảo đảm môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích của các bên khi tham gia các quan hệ này, góp phần tạo môi trường ổn định cho các hoạt động, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Xét về mặt hiệu quả tác động đến xã hội, hoạt động của TPL, nhất là hoạt động lập vi bằng là công cụ để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như xác lập chứng cứ để bảo vệ mình trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử; góp phần gia tăng giá trị pháp lý, dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Đồng tình với những kết quả tích cực đạt được, Ủy ban Tư pháp cho rằng, thí điểm chế định TPL là một chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng trong Chiến lược cải cách tư pháp. Mặc dù còn có những hạn chế, bất cập nhưng đến nay, hoạt động của tổ các tổ chức TPL đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng trên các mặt hoạt động, phản ánh định hướng đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Đảng, yêu cầu của Hiến pháp 2013 và đòi hỏi của thực tiễn cải cách tư pháp. Qua kết quả tổng kết, về cơ bản các vấn đề về lý luận đã rõ, kết quả hoạt động của các tổ chức TPL thời gian qua là cơ sở thực tiễn quan trọng để xem xét cho phép mô hình tổ chức này được chính thức hoạt động. Do vậy, đa số ý kiến UBTP tán thành đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết ghi nhận kết quả đạt được và cho kết thúc việc thí điểm để chính thức thực hiện chế định TPL, đồng thời, giao Chính phủ chuẩn bị dự án Pháp lệnh Thừa phát lại hoặc Luật Thừa phát lại báo cáo UBTVQH xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Khóa XIV. Trước mắt, các tổ chức TPL đã được thành lập tiếp tục hoạt động theo quy định của Chính phủ; việc mở rộng hoạt động TPL tại địa phương do Chính phủ tổ chức thực hiện phù hợp với nhu cầu thực tế. 

Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu đều cho rằng qua hai báo cáo đã thấy rõ được những kết quả tích cực của chế định TPL. Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho rằng, nên chấm dứt thực hiện thí điểm TPL đồng thời nhân rộng việc thực hiện TPL. Khổng phải tiến hành trên tất cả các tỉnh, thành phố cả nước mà tùy theo địa phương, nếu địa phương nào có đủ điều kiện thì cho thành lập văn phòng TPL.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tán thành việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế định TPL, giao CP đưa ra hướng dẫn  để các địa phương xem xét, nếu thấy đủ điều kiện thì xin phép thành lập văn phòng TPL, không cần phải ra Pháp lệnh TPL và cũng không tiến hành thí điểm TPL nữa. Sau khi tiến hành một thời gian, Chính phủ sẽ tổng kết báo cáo Quốc hội để xây dựng luật.

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, qua thảo luận, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đây là chủ trương về xã hội hóa một số hoạt động tư pháp đã được ghi trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Quốc hội đã có nghị quyết cho thí điểm thực hiện chủ trương này. Đến nay đã triển khai thực tế và qua tổng kết thấy chế định TPL có những ưu điểm, mặt tốt để giảm gánh nặng cho cơ quan tòa án, thi hành án hiện nay, tăng cường sự lựa chọn cho người dân trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết ghi nhận kết quả đạt được và cho kết thúc việc thí điểm để chính thức thực hiện chế định thừa phát lại. Nghị quyết sẽ quy định cụ thể về điều kiện, nội dung, phạm vi, hình thức, thủ tục; tổng kết để trình Quốc hội về Luật TPL.

Bài và ảnh: XUÂN DŨNG 

 

 

Tin tức & Sự kiện khác