Tin tức & Sự kiện
Hỗ trợ trực tuyến
-
Tư vấn khách hàng
0613 842 022
Thống kê truy cập
- Đang truy cập: 6
- Trong ngày: 101
- Hôm qua: 54
- Tổng truy cập: 2576704
- Truy cập nhiều nhất: 13152
- Ngày nhiều nhất: 31.08.2019
Thừa Phát Lại vẫn còn gặp khó
Khó khăn đầu tiên là đến nay vẫn có nhiều người dân, cán bộ chưa biết, chưa rành rẽ thừa phát lại (TPL) là gì, có những chức năng, nhiệm vụ gì. Vì thế trong quá trình hành nghề, nhiều khi các văn phòng TPL đã không nhận được sự hợp tác cần thiết.
“Tôi không biết TPL là ai”
Đi tống đạt văn bản của tòa và cơ quan thi hành án (THA) dân sự là việc thường xuyên của thư ký nghiệp vụ ở các văn phòng TPL. Khi tác nghiệp, họ đã gặp hàng trăm chuyện dở khóc dở cười vì người dân chưa biết về TPL.
Thư ký nghiệp vụ Đức Hoài (Văn phòng TPL quận Thủ Đức, TP.HCM) kể: Khi làm việc, anh thường xuyên gặp những câu hỏi như “TPL là ai? Là gì?”; “sao lại tự tiện mang giấy đến nhà tôi ghi ghi chép chép”… Có lần thư ký nghiệp vụ đến nhà đương sự tống đạt văn bản mới biết đương sự đã bán nhà cho người khác nên mời tổ trưởng tổ dân phố đến chứng kiến việc niêm yết văn bản trước cổng nhà. Chủ nhà mới ra sức ngăn cản, bảo: “Tôi không biết TPL là ai mà lại dán giấy của tòa lên nhà tôi”. Sau đó chủ nhà tìm đến văn phòng TPL thắc mắc: “Vì sao giấy của tòa mà các ông lại đi đưa cho dân?”, “căn cứ nào mà các ông có quyền dán giấy lên nhà dân?”, “việc dán giấy như vậy có ảnh hưởng gì đến chủ quyền nhà của tôi hay không?”. Văn phòng TPL phải tận tình giải thích, dẫn chứng bằng các quy định liên quan để chủ nhà hiểu và hợp tác.
Tương tự, một thư ký nghiệp vụ Văn phòng TPL quận Tân Bình (TP.HCM) đi tống đạt giấy triệu tập của tòa cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong một vụ tranh chấp đất đai. Người này xua tay: “Tui không biết TPL các anh. Các anh không phải là cán bộ, không về là tui kêu công an tới đó”. Người này cương quyết không chịu nhận văn bản, thư ký nghiệp vụ phải nhờ phường hỗ trợ để niêm yết…
Một thư ký nghiệp vụ Văn phòng TPL quận Thủ Đức (TP.HCM) đang niêm yết văn bản tại UBND phường Hiệp Bình Chánh. Ảnh: T.TÙNG
Phải có chữ “niêm yết” mới đóng dấu
Không chỉ người dân, ngay cả nhiều cán bộ cũng chưa hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ, công việc của TPL.
Tìm đương sự tống đạt văn bản trực tiếp không được, thư ký nghiệp vụ Đinh Danh Mười (Văn phòng TPL quận Gò Vấp, TP.HCM) gặp một cảnh sát khu vực đề nghị đi cùng làm chứng (để có cơ sở niêm yết văn bản). Vị cảnh sát khu vực nhìn ông Mười từ đầu đến chân rồi yêu cầu xuất trình giấy giới thiệu, chứng minh nhân dân, bảng tên công tác... Ông Mười xuất trình xong, vị cảnh sát khu vực nhún vai: “Lạ nhỉ, sao tòa lại đưa văn bản cho anh? TPL của anh là gì? Thôi anh xuất trình thêm giấy của tòa giới thiệu anh đến phường cho tôi xem”.
Ông Mười cố công giải thích rằng hợp đồng tống đạt giữa TPL và tòa là hợp đồng chung nên không có giấy giới thiệu riêng cho từng vụ việc, đồng thời giải thích về nhiệm vụ, chức năng của TPL. Nghe xong, vị cảnh sát khu vực vẫn chưa thông: “Thôi thôi giờ chốt lại thế này, anh không có giấy giới thiệu của tòa thì tôi sẽ không đi với anh, giờ anh cứ đến gặp cán bộ khu phố nhờ giúp nhé”. Ông Mười đành ra về, cuối cùng phải nhờ đại diện khu phố.
Mới đây, một thư ký nghiệp vụ của Văn phòng TPL quận 5 (TP.HCM) đi tống đạt văn bản cho đương sự tại một phường trung tâm ở quận 1. Không thành công, thư ký nghiệp vụ phải niêm yết văn bản. Sau đó thư ký này đến UBND phường xin đóng dấu ba loại văn bản là biên bản tống đạt không thành, biên bản niêm yết tại UBND phường và biên bản niêm yết tại nhà đương sự.
Dù thư ký nghiệp vụ nói thế nào, đại diện UBND phường cũng nhất quyết không chịu đóng dấu vào biên bản tống đạt không thành, chỉ đóng dấu vào hai biên bản còn lại (do trên đó có chữ “niêm yết”). Theo đại diện UBND phường, họ không được phổ biến về việc xác nhận biên bản tống đạt không thành. Trong khi theo quy định, phải có biên bản tống đạt không thành thì mới có hai loại biên bản còn lại và tòa chỉ coi thủ tục niêm yết của TPL là đúng luật khi cả ba loại văn bản trên đều có dấu xác nhận của phường. Không còn cách nào khác, thư ký nghiệp vụ đành ngậm ngùi quay về báo cáo, sau đó trưởng Văn phòng TPL quận 5 phải đích thân đến UBND phường giải thích thì phường mới chịu đóng dấu.
Trước đây, năm 2012, khi còn làm việc cho Văn phòng TPL quận 1 (TP.HCM), TPL Đỗ Phi Thường (hiện làm việc tại Văn phòng TPL quận Gò Vấp) từng bị cảnh sát 113 mời về công an phường vì “không biết TPL là ai”.
Cụ thể, trong một vụ tranh chấp mặt bằng, bên thuê nhà đến nhờ TPL lập vi bằng việc chủ nhà khóa cửa quán không cho buôn bán để làm chứng cứ khởi kiện. Khi ông Thường và bên thuê nhà đến nơi, chủ nhà không mở cửa. Ông Thường đề nghị chủ nhà mở cửa để vào làm việc thì một đám đông xăm trổ đầy mình kéo đến tuyên bố: “Tao không biết TPL là thằng nào. Khôn hồn thì biến, không tao chém”...
Thấy căng thẳng, ông Thường gọi điện thoại cho lực lượng cảnh sát 113 nhờ hỗ trợ để ông giải thích về công việc của mình. Sau khi xem thẻ TPL của ông Thường, một cảnh sát nói: “Đây là tranh chấp giữa bên chủ nhà và thuê nhà, chuyện riêng của người ta, anh là người không liên quan thì đừng xen vào”. Sau đó cảnh sát 113 đã yêu cầu tất cả người có mặt, trong đó có ông Thường về trụ sở công an phường giải quyết.
Tại công an phường, ông Thường xuất trình thẻ TLP, giải thích rõ bốn chức năng, nhiệm vụ mà TPL được làm, khẳng định việc cảnh sát 113 mời ông về công an phường là không đúng. Công an phường cũng không hiểu rõ về TPL nên đã chọn “phương án an toàn” là lập biên bản ghi ý kiến của ông Thường. Phải mất hơn ba giờ sau, ông Thường mới có thể rời trụ sở công an phường…
Kiến nghị giải pháp khắc phục Trong báo cáo tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định TPL tại TP.HCM, UBND TP.HCM đã kiến nghị trung ương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về TPL trên đài truyền hình, báo chí để phủ sóng rộng khắp cả nước. Bên cạnh đó, bản thân các văn phòng TPL cần tập trung quảng bá hình ảnh của mình thông qua các vụ việc cụ thể đã làm được để người dân, xã hội biết đến nhiều hơn. Ngoài ra, ngành tòa án cũng cần giải thích, ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu TPL tổ chức THA để đương sự biết mà lựa chọn yêu cầu TPL hay cơ quan THA dân sự tổ chức thi hành vụ việc của mình. Tòa cũng nên thực hiện việc chuyển giao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật cho văn phòng TPL có thẩm quyền... TPL đang phát triển mạnh mẽ Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến nay việc thí điểm TPL đã được thực hiện tại 13 địa phương trong cả nước với 53 văn phòng TPL được thành lập. Tính đến ngày 31-7-2015, các văn phòng TPL đã tống đạt được 819.044 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện THA 781 vụ việc, trực tiếp tổ chức THA 322 vụ việc, tổng doanh thu hơn 119 tỉ đồng. Riêng ở TP.HCM, 11 văn phòng TPL đã tống đạt được 501.156 văn bản, lập 32.527 vi bằng, xác minh điều kiện THA 382 vụ việc, trực tiếp tổ chức THA 196 vụ việc, tổng doanh thu hơn 68 tỉ đồng. |
Tin tức & Sự kiện khác
- Nghị quyết số: 107/2015/QH13 về việc thực hiện chế định Thừa Phát Lại(19/09/16)
- “Thừa Phát Lại là gì ngay cả tôi cũng không hiểu”(18/09/15)
- Chấm dứt thí điểm mô hình Thừa Phát Lại(18/09/15)
- Thống nhất mở rộng thực hiện Thừa Phát Lại(18/09/15)
- Kết thúc việc thí điểm để chính thức thực hiện chế định Thừa Phát Lại(18/09/15)