(PL&XH) - Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (TPL) đang được Bộ Tư pháp xây dựng giữ nguyên quy định TPL được tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.

Tổ chức thi hành án còn tiềm năng

Quy định hiện hành TPL được làm 4 công việc, bao gồm: thực hiện tống đạt văn bản; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Trên thực tế hoạt động của Văn phòng TPL tại các địa phương hiện nay chủ yếu vẫn là lập vi bằng, tống đạt văn bản giấy tờ. Việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án còn rất ít, thậm chí có Văn phòng TPL chưa tổ chức thi hành án được vụ việc nào.

Theo ông Nguyễn Văn Lạng – Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình, TPL được Nhà nước trao quyền để thực hiện quyền lực Nhà nước, hoạt động TPL liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành khác nhau. Tuy nhiên hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của TPL chỉ gồm Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn. Trong đó Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chủ trương, nguyên tắc, còn tổ chức và hoạt động của TPL được điều chỉnh bởi Nghị định của Chính phủ - giá trị pháp lý còn hạn chế.

Hơn nữa, Nghị định về tổ chức và hoạt động của TPL cũng chỉ quy định: “Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, TPL có quyền như Chấp hành viên, quy định tại Điều 20 Luật Thi hành án dân sự” . Về nguyên tắc, quy định như vậy là đúng, nhưng với những người, những cơ quan, tổ chức chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều tới THADS thì việc tham chiếu Luật Thi hành án dân sự để hiểu việc TPL thực hiện quyền như Chấp hành viên là rất khó khăn. Các luật chuyên ngành khác thì đều chưa có hình ảnh của TPL.

Một vấn đề khác là hiện nay theo quy định, TPL có thể tổ chức cưỡng chế thi hành án ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt Văn phòng TPL nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt Văn phòng TPL. Đây có thể xem là thế mạnh của TPL so với cơ quan THADS. Tuy nhiên, muốn tổ chức cưỡng chế, TPL phải lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo trưởng ban chỉ đạo thi hành án cấp huyện nơi Văn phòng TPL đặt trụ sở. Quy định này làm mất đi tính chủ động của TPL nếu không muốn nói là đang “làm khó” TPL. Bởi lẽ trưởng ban chỉ đạo thi hành án ở quận huyện này sẽ rất khó trong việc quyết định tổ chức cưỡng chế thi hành án tại một quận, huyện khác.

ong nguyen van lang.ipgTrưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hành nghề tại hội nghị gặp gỡ các tổ chức, đơn vị thuộc khối bổ trợ tư pháp trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Nguyên An



Nâng cao địa vị pháp lý của TPL

Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của TPL đã giữ nguyên thẩm quyền, phạm vi tổ chức thi hành án của TPL như quy định hiện hành. Theo đó, TPL được tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện; đồng thời, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của TPL khi thi hành án, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc hỗ trợ TPL thực hiện thi hành án.

Tuy nhiên, đối với việc trao quyền tổ chức cưỡng chế thi hành án cho TPL, quá trình góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định hiện vẫn còn 2 quan điểm khác nhau. Về phía Bộ Công an đồng tình phương án cưỡng chế thi hành án phải có phê duyệt của Cục trưởng Cục THADS. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng, nếu loại bỏ biện pháp mạnh mẽ nhất trong thi hành án thì khi người dân yêu cầu TPL sẽ “bó tay”. Do đó quy định Cục trưởng Cục THADS ra quyết định phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thi hành án vừa bảo đảm sự quản lý của Nhà nước đối với TPL, vừa tránh quan điểm cho rằng lực lượng vũ trang đi phục vụ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính lại đặt vấn đề khi xây dựng thí điểm chế định TPL, nhiều địa phương cho rằng TPL là tư nhân, sao lại giao quyền cưỡng chế, trong khi quá trình thí điểm thực chất mới là giao quyền xử lý tài sản của đương sự mà bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên? Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Đức Chính đề nghị trong thời gian tới, cần làm rõ quan điểm khi cưỡng chế thi hành án, không phải CA bảo vệ TPL mà ở đâu có nguy cơ mất trật tự an ninh, an toàn xã hội  thì CQCA cần vào cuộc để bảo vệ.

Về phía các TPL, Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng đề xuất: Trước mắt, khi sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật liên quan đến phần quy định về quyền hạn của TPL khi trực tiếp tổ chức THADS, căn cứ quy định tại Điều 20 Luật Thi hành án dân sự, thì Nghị định cũng cần quy định cụ thể tương tự như Điều 20 Luật Thi hành án dân sự.

Về lâu dài, cần sớm ban hành Luật TPL. Đối với các Luật chuyên ngành, cần đưa TPL và Văn phòng TPL vào Luật Thi hành án dân sự với tính chất là hệ thống cơ quan tổ chức THADS tư nhân, và cho phép áp dụng ở những nơi đã có TPL. Cùng với đó, đưa các quy định về thẩm quyền yêu cầu cung cấp xác minh tài sản, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế của TPL vào các Luật chuyên ngành như Luật Thuế, Luật Các tổ chức tín dụng… để tạo điều kiện thuận lợi cho TPL thực thi quyền hạn của mình khi tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án. “Bản thân TPL cũng phải bằng chính kết quả hoạt động của mình để khẳng định hình ảnh của mình trong đời sống xã hội” -  ông Nguyễn Văn Lạng nói.

Tin tức & Sự kiện khác