Tin tức & Sự kiện
Hỗ trợ trực tuyến
-
Tư vấn khách hàng
0613 842 022
Thống kê truy cập
- Đang truy cập: 3
- Trong ngày: 53
- Hôm qua: 77
- Tổng truy cập: 2575721
- Truy cập nhiều nhất: 13152
- Ngày nhiều nhất: 31.08.2019
Chấp hành viên có quyền phân chia tài sản chung hay không?
(kiemsat.vn) - Trong thực tiễn áp dụng pháp luật có sự không thống nhất giữa Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành luật thi hành án dân sự làm cho Chấp hành viên có sự tùy nghi khi áp dụng phân chia tài sản chung.
Thực tế có vụ việc Chấp hành viên áp dụng khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án dân sự để hướng dẫn các đương sự khởi kiện ra Tòa án hoặc Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án; có việc Chấp hành viên lập biên bản thỏa thuận tự phân chia tài sản chung và Chấp hành viên tự xác định (phân chia) phần sở hữu trong khối tài sản chung và thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết. Sau đó, Chấp hành viên tổ chức thi hành theo kết quả phân chia của Chấp hành viên.
Việc xác định (phân chia) phần tài sản chung của Chấp hành viên thường là tùy nghi không theo căn cứ, quy định nào của pháp luật.
Sau đây tôi xin nêu một số vụ việc cụ thể để thấy được sự tùy nghi của của Chấp hành viên trong việc xác định phần sở hữu tài sản chung mà không căn cứ vào quy định của pháp luật.
Trường hợp thứ nhất : Ngày 03 tháng 6 năm 2013, Chi cục thi hành án dân sự huyện E ra Quyết định thi hành án số 526/QĐ-CCTHADS buộc bà Thái Thị Minh T phải trả cho ông Hoàng Văn D và bà Vũ Thị Bích H số nợ là 4.200 kg cà phê nhân xô quy chuẩn. Sau khi ra quyết định thi hành án Chấp hành viên đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của bà T xác định hộ bà T được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BK 406045 do ủy ban nhân dân huyện E cấp ngày 01/10/2012, tại thửa đất 436, tờ bản đồ số 2, có diện tích 4812m2 . Sau khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của bà T, Chấp hành viên đã hướng dẫn cho các thành viên trong hộ bà T khởi kiện ra Tòa án để phân chia tài sản chung nhưng không có kết quả. Sau đó, Chấp hành viên đã khởi kiện tại tòa án nhân dân huyện E để yêu cầu chia tài sản chung của hộ gia đình bà T để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thứ 2: Ngày 23/3/2011, Chi cục thi hành án dân sự huyện E ra Quyết định thi hành án số 625, buộc ông Nguyễn Văn T, Chủ doanh nghiệp tư nhân Y, phải trả cho bà Phạm Thị H 489,1kg tiêu hạt khô. Ngoài ra ông Nguyễn Văn T còn phải trả cho nhiều hộ dân, với tổng số tiền nợ khoản 14.000.000.000 đồng. Chấp hành viên đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của ông Nguyễn Văn T thể hiện hộ ông T được cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ủy ban nhân dân huyện E cấp, giá trị khoảng 3.000.000.000 đồng. Căn cứ vào khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án. Chi cục THADS huyện E thông báo thỏa thuận chia tài sản chung hộ gia đình đến hộ ông Nguyễn Văn T thực hiện. Sau đó, Chấp hành viên đã lập biên bản thỏa thuận phân chia tài sản chung hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Thận với nội dung như sau: đề nghị CCTHADS huyện E xử lý hết toàn bộ 2 thửa đất, sau khi trừ các khoản chi phí còn lại bao nhiêu chia ra 10 phần bằng nhau và tỷ lệ hưởng như sau: Nguyễn Văn T (3 phần), Từ Thị H (3 phần) và 04 người con mỗi người (1 phần). Chấp hành viên đã căn cứ vào sự thỏa thuận này làm cơ sở để phân chia tài sản chung của hộ ông T.
Trường hợp thứ 3: Ngày 22 tháng 8 năm 2016, Chi cục thi hành án dân sự huyện E ra Quyết định thi hành án số số 1090, buộc Lê Đình H và bà Phạm Thị K phải trả cho ông Phạm Văn Đ số tiền 2.161.255.000 đồng. Chấp hành viên đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của ông Lê Đình H và bà Phạm Thị K thể hiện hộ ông H và bà K được cấp 05 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giá trị khoảng 2.000.000.000 đồng, gia đình ông H có 04 nhân khẩu gồm vợ chồng và 02 người con ( chưa thành niên). Căn cứ vào khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62. Chấp hành viên huyện E thông báo xác định phần quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án xác định toàn bộ tài sản chung hộ gia đình ông H chia làm 07 phần, ông H và bà K chiếm 05 phần còn lại mỗi người con chiếm 01 phần. Sau đó chấp hành viên căn cứ vào thông báo này để áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án năm 2014 quy định : “ Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án…”
Như vậy theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án thì Chấp hành viên không được phân chia tài sản chung mà chỉ yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.
Tuy nhiên tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/NĐ-CP, ngày 18 tháng 7 năm 2015, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự, quy định : “… Việc kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành với người khác được thực hiện như sau:
c) Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.
Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ…”
Theo quy định của điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/NĐ-CP, thì Chấp hành viên có quyền xác định phần sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản của vợ chồng; xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Như vậy theo quy định này thì Chấp có quyền chia tài sản chung của hộ và tài sản chung của vợ chồng để thi hành án.
Qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự, bản thân tôi nhận thấy việc Chấp hành viên xác định (phân chia) phần tài sản chung theo hướng dẫn tại điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định là không phù hợp với quy định của pháp luật dẫn đến sự tùy nghi của Chấp hành viên trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Bởi lẽ nhiệm vụ của Chấp hành viên là Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cần phải sửa đổi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62 theo hướng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án dân sự.
Nguyễn Công Thức
VKSND tỉnh Đắk Lắk
Tin tức & Sự kiện khác
- "Tuýt còi" việc buộc xác nhận thay đổi số CMND trên sổ đỏ(11/08/17)
- Chỉ thị 33/CT-UBND năm 2013 tuyên truyền hỗ trợ thí điểm Thừa phát lại Đồng Nai(14/07/17)
- Đẩy mạnh hoạt động tổ chức thi hành án của Thừa phát lại(03/07/17)
- Thừa phát lại Biên Hòa: Thống nhất kế hoạch cưỡng chế thi hành án(03/07/17)
- Có nên lập vi bằng nhà đất thông qua thừa phát lại?(03/07/17)
- Mua xe trả góp không có giấy tờ gốc là phạm luật(03/07/17)
- Lần đầu tiên, thừa phát lại cưỡng chế thi hành án(13/06/17)