Quy định tiến bộ nhưng cần tránh bị lạm dụng kiểu như bị ép buộc hoặc bị gây áp lực trong việc tự nguyện hòa giải, thương lượng.

Tháng 5-2016, Nguyễn Văn Hải điều khiển xe tải từ huyện Đức Hòa, Long An về TP.HCM. Do lấn trái nên đã va chạm với xe máy do anh Y Đong Bkrông chở theo hai người đang chạy theo hướng ngược lại. Hậu quả, anh Y Đong Bkrông tử vong, một người ngồi sau bị thương nhẹ. Hải tự nguyện thỏa thuận bồi thường cho gia đình nạn nhân 113 triệu đồng, người bị thương 6 triệu đồng. Sau đó Hải bị khởi tố theo khoản 1 Điều 202 BLHS (có khung hình phạt đến năm năm tù). Nhưng quá trình truy tố, VKSND huyện Đức Hòa đã vận dụng quy định có lợi theo BLHS 2015 để miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) cho Hải.

Áp dụng quy định có lợi

Theo VKSND huyện Đức Hòa, dù Hải gây tai nạn làm chết một người nhưng theo khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 thì đây là loại tội nghiêm trọng do lỗi vô ý. Mặt khác, Hải đã thỏa thuận bồi thường xong cho đại diện gia đình bị hại, gia đình không yêu cầu xử lý hình sự.

Tương tự, cuối năm 2016 Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa đã miễn TNHS, đình chỉ điều tra đối với ông Huỳnh Thanh Quang về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với lý do đại diện người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn truy cứu TNHS. Theo hồ sơ, tháng 10-2015, ông Quang chạy xe máy chở bà X. (sống chung như vợ chồng) trên lề đường quốc lộ 1. Vì muốn vượt một ô tô cùng chiều, ông Quang cho xe chuyển sang làn đường xe tải nên bị tai nạn, làm bà X. chết.

 

Ông Quang bị khởi tố, tháng 9-2016, TAND thị xã Ninh Hòa xử sơ thẩm tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau đó ông Quang được miễn TNHS.

Riêng vụ này thì đại diện người bị hại khiếu nại việc đình chỉ với lý do không có chuyện hai bên tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn truy cứu TNHS như CQĐT viện dẫn.

Trong hai vụ án trên, cơ quan tố tụng đã vận dụng quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS 2015: Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS thì có thể được miễn TNHS.

Theo Hướng dẫn số 276 ngày 13-9-2016 của TAND Tối cao thì đây là quy định mới có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015. Trước đó, tháng 6-2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết 144 tạm lùi hiệu lực thi hành của BLHS 2015 cùng ba đạo luật khác và cho phép những quy định mới có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015 vẫn được áp dụng từ ngày 1-7-2016.

Thương lượng được thì khỏi đi tù - ảnh 1
Ông Huỳnh Thanh Quang được Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa miễn trách nhiệm hình sự.  Ảnh: TẤN LỘC

Phù hợp, tiến bộ!

“Tôi hoàn toàn ủng hộ cơ quan tố tụng các địa phương áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 để miễn TNHS cho bị can, bị cáo. Đây là một quy định tiến bộ, nhân văn” - PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nói.

Theo ông Độ, trước đây người gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người mà có lỗi hoàn toàn thì không được hưởng án treo, như vậy là quá nghiêm khắc. Bởi tội này thường là do lỗi vô ý, không ai mong muốn hậu quả xảy ra. Nếu cứ một, hai đẩy họ vào tù có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt. Sau khi ra tù, họ rất khó hòa nhập với cuộc sống vì vướng án tích. Chưa kể có trường hợp hai vợ chồng chở nhau, chẳng may người chồng vô ý để xảy ra tai nạn, người vợ chết. Nếu người chồng là lao động chính trong gia đình mà phải vào tù thì lấy ai nuôi con, từ đó kéo theo đủ thứ hệ lụy.

Cũng theo ông Độ, thực tế nhiều bị cáo thấy rằng tội của mình sẽ phải ngồi tù thì họ chỉ bồi thường cho gia đình bị hại một khoản tiền nhất định để tòa xem xét giảm án. Còn bị hại chỉ trông chờ vào tòa xử đúng theo quy định pháp luật thì mức bồi thường cũng chẳng được bao nhiêu. Trong khi nhiều bị can, bị cáo có điều kiện kinh tế, nếu được ở ngoài đi làm thì họ sẵn sàng bồi thường cao hơn nhiều. Quy định trên đã tận dụng được điều này. Với những hành vi phạm tội do lỗi vô ý thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng (mức án cao nhất đến bảy năm tù) thì hãy để các bên ngồi lại với nhau hòa giải. Để họ tự thương lượng mức bồi thường mà họ chấp nhận được, từ đó bị hại sẽ tự nguyện đề nghị miễn TNHS cho bị can.

Một kiểm sát viên VKSND tỉnh Đắk Lắk cho biết đặc thù địa phương chủ yếu là án trộm cắp tài sản và vi phạm giao thông đường bộ nên ủng hộ quy định trên. Trong quá trình xử lý loại tội này, thường phía người bị hại có ý thương lượng bồi thường và hòa giải với bị cáo nên dễ cho đối thoại. Tuy nhiên, việc ra quyết định miễn TNHS ở giai đoạn nào thì còn tranh cãi. Có nhất thiết phải ra quyết định khởi tố vụ án rồi mới ra quyết định đình chỉ để miễn TNHS cho bị can hay ngay từ đầu, thấy hội đủ các điều kiện thì ra quyết định không khởi tố vụ án để rút ngắn thủ tục tố tụng.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP.HCM, chia sẻ: “Đây là quy định tiến bộ có lợi cho cả người bị hại và bị can, bị cáo. Nó còn thể hiện sự khoan hồng, nhân văn nhưng vẫn đủ sự răn đe, giáo dục chung”. Nó tập trung vào hành vi gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản nhưng người phạm tội với lỗi vô ý. Nhưng để được hưởng quy định này, người thực hiện hành vi phạm tội phải được phía bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS. Tất nhiên, không phải mọi trường hợp đều được miễn mà còn tùy thuộc vào cơ quan tố tụng đánh giá. Đây vừa thể hiện sự khoan hồng vừa thể hiện sự nghiêm khắc.

Thường thì tâm lý phía người bị hại không quá khắt khe; nếu bị can, bị cáo có ý ăn năn, phục thiện thì cũng dễ nhận được sự tha thứ. Tất nhiên, vẫn có trường hợp quy định này bị lạm dụng kiểu như có sự thỏa thuận nhưng do ép buộc hoặc bị gây áp lực.

Tin tức & Sự kiện khác